Sinh viên cntt chọn chuyên ngành nào?

Posted September 15, 2014
Category Student
Trong thời đại số hoá, công nghệ thông tin là một ngành cực kỳ hấp dẫn cả về nhu cầu tuyển dụng lẫn mức thu nhập. Khối ngành Công nghệ thông tin (CNTT) luôn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, phù hợp với những người năng động, thích khám phá và sáng tạo đặc biệt là các bạn có niềm đam mê về tin học, mạng máy tính... Và vấn đề chọn chuyên ngành trong ngành CNTT để tìm các hướng đi phù hợp cũng là điều đáng suy nghĩ và quyết định cho tương lai của mình.

Hiện nay, ngành CNTT ở Việt Nam vẫn liên tục tăng “cầu” về nhân lực, chuyên ngành nào của CNTT cũng đang rất cần người. Chọn chuyên ngành mạng hay công nghệ phần mềm là một trong những vẫn đề băn khoăn của các bạn sinh viên Công nghệ thông tin.

Với chuyên ngành công nghệ phần mềm có thể làm nhiều việc: Thiết kế website, Lập trình máy tính, Lập trình Mobile, thiết bị di động, lập trình nhúng, … Ngành này yêu cầu bạn phải giỏi toán và logic thì mới lập trình tốt. Quan trọng nhất là trong quá trình học, bạn phải nắm rõ được những tư duy thuật toán cơ bản. Tuy ngành phần mềm hiện đang hot hiện nay nhưng phải phụ thuộc vào sức học của mỗi người. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn ngành thích hợp với mình.

Với chuyên ngành mạng máy tính có thể làm nhiều việc như: Quản trị mạng, Bảo mật mạng, thiết kế và bảo trì hệ thống mạng, … Nhưng muốn vươn lên thì cần lấy các chứng chỉ mạng cao cấp. Ngành này phù hợp cho những bạn không thích code.

Đối với câu hỏi “Sinh viên CNTT nên theo học mạng hay phần mềm để dễ kiếm việc làm hơn?” Không thể đưa ra lời khuyên nào thích đáng cho câu hỏi này vì cả thị trường về mạng máy tính và công nghệ phần mềm đều là những thị trường tiềm năng. Nếu có, thì lời khuyên đó là dù chọn chuyên ngành nào thì người học phải có niềm yêu thích đam mê và phải có tư duy phù hợp với ngành nghề mình chọn.

Dù chọn chuyên ngành nào thì lượng kiến thức trong sách vở, giáo trình của nhà trường chắc chắn sẽ không bao giờ là đủ cho một cử nhân CNTT. Vì vậy, SV CNTT phải tự ý thức được vấn đề tự học là chính. Đặc biệt với các môn chuyên ngành CNTT, SV thường được giới thiệu sơ về một vấn đề và yêu cầu các SV lập nhóm, tự tìm hiểu đề tài, triển khai các ứng dụng hoàn chỉnh. Cách học này giúp phát huy tối đa khả năng tư duy, tự học, làm việc nhóm của SV. Có như vậy thì SV CNTT sẽ có đủ hành trang để đi làm, bằng không sẽ hơi vất vả trong vấn đề việc làm.

Tóm lại, chọn chuyên ngành nào không quá quan trọng, mà cái quan trọng nhất là bạn phải có khả năng và niêm đam mê trong lĩnh vực mình chọn.

Read More »

10 điều cần thiết cho tân sinh viên

Posted September 15, 2014
Category Student
Hẳn các bạn tân sinh viên có nhiều bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới: Thầy cô mới, bạn bè mới, ngôi trường mới, nhưng đặc biệt mới về cách thức học tập. Môi trường học tập ở đây khác nhiều so với khi học ở các trường THPT, và các tân sinh viên cần sớm thích nghi hòa nhập với môi trường mới này. Có những điều bạn cần biết và làm từ khi bắt đầu là một sinh viên.

1. Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt đầu khóa. Khoảng thời gian này rất quan trọng để các bạn tân sinh viên có thể thích nghi dần với môi trường ở bậc đại học mới, khác hẳn so với môi trường phổ thông trung học. Đây là một cách nhanh nhất để sinh viên hiểu biết về ngôi trường mình sẽ học và là điều kiện để các bạn nắm rõ các nội quy, quy định của trường vì rằng “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” ;) đó còn là cơ hội được nghe giải đáp tất cả các thắc mắc về trường lớp, chương trình học tập,…

2. Ít nhất một lần đọc quyển sổ tay sinh viên. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi sổ tay này viết cho mình mà. Rất nhiều điều hữu ích và thiết thực cho sinh viên có trong cuốn sổ này.

3. Thông thạo sơ đồ phòng học và các phòng ban, đặc biệt là văn phòng khoa của mình. Cái sơ đồ phòng học thì có trên trang web trường, chịu khó hỏi thêm các ‘cư dân’ ở đây. Tham quan một vòng quanh trường là biết tuốt. Nhưng cũng hơi mỏi chân đấy.

4. Có thông tin liên hệ của những nhân vật ‘thân cận’. Bạn cần biết các thông tin của những nhân vật này để tiện liên hệ khi gặp chuyện :). Theo thứ thự ưu tiên gần nhất và cần nhất nhé: Ban cán sự lớp, Cố vấn học tập, Văn phòng khoa. Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu thêm về các lãnh đạo khoa, lãnh đạo trường.

5. Thường xuyên xem thông báo trên các bảng tin, trang web khoa, web trường. Hầu như tất cả những thông báo quan trọng đều được cập nhật hàng ngày như Thông báo về Thời Khóa Biểu, đổi phòng học, lịch thi, điểm thi…

6. Không trễ hạn. Mọi thông báo, quy định về sinh viên đều có thời hạn và bạn phải tuân thủ các mốc thời gian quy định bởi vì không đúng hạn sẽ mang lại rất nhiều phiền phức cho bạn.

7. Hiểu rõ nội quy về thời gian, trang phục, phòng học. Biết nội quy để khỏi lọt vào danh sách đen, rồi là cảnh cáo, tiếp đến là kỷ luật,… phiền lắm. Tóm lại là ‘Đừng để chết vì không hiểu biết’.

8. Tạo mối quan hệ với những người có kinh nghiệm. Hãy tự tin bắt chuyện với bất cứ anh chị khóa trước, hỏi han thông tin về trường và xin những lời khuyên về kinh nghiệm học tập, tham gia hoạt động của các anh chị.

9.  Tham gia sinh hoạt tại một câu lạc bộ đội nhóm và phong trào tình nguyện. Đây là cơ hội được gặp gỡ nhiều người, năng động hơn, hòa mình hơn và đặc biệt là qua những lần tham gia này, bạn cũng sẽ có thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống sau này.

10. Lập kế hoạch học tập cho riêng mình và ra sức phấn đấu để đạt mục tiêu. Làm việc có mục tiêu, có kế hoạch cụ thể là cách làm việc hiệu quả và khôn ngoan nhất.

Read More »

Biến dạng cơ thể vì thường xuyên ngồi sai tư thế

Posted September 14, 2014
Category Student
Gù lưng, vẹo cột sống

Nhiều người trong chúng ta thường không chú ý đến cách ngồi khi đang học bài, làm việc. Điều này không tốt chút nào bởi nếu các bạn không kịp điều chỉnh và ngồi sai tư thế trong thời gian lâu dài thì cột sống sẽ bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây tổn hại đến sức khỏe sau này. Những người phải ngồi nhiều như sinh viên, học sinh hay nhân viên văn phòng rất cần lưu ý đến điều này vì một khi cột sống đã bị tổn thương và gây ra biến dị thì rất khó để khôi phục lại.

Gây ảnh hưởng đến vòng một

Nhiều bạn không biết rằng ngồi sai tư thế còn ảnh hưởng đến hình dáng của vòng một. Có rất nhiều bạn thường có thói quen tì sát ngực vào bàn khi viết. Điều này vô tình khiến vòng một bị ma sát, phải chịu áp lực đè lớn khiến núi đôi dễ bị chảy xệ sang hai bên. Ngay cả khi bạn ngồi lệch sang một bên, khiến cho cột sống bị lệch, vai cao vai thấp cũng sẽ khiến núi đôi bị biến dạng, một bên cao, một bên thấp và chảy xệ theo.

Ảnh hưởng đến xương chậu

Xương chậu được coi là nền tảng của cột sống, nếu như những cơ của thân được phát triển đều thì sức kéo của các cơ co cân bằng với sức kéo của cơ duỗi. Lúc đó, đầu và thân người được giữ thẳng, tư thế bình thường của bả vai, tay, chân phụ thuộc vào mức độ phát triển và sự căng cơ của các nhóm cơ.



Lệch vai

Vì khi ngồi sai tư thế như nghiêng, vẹo người sang một bên khi đọc viết sẽ khiến một bên vai bị xệ, một bên cao hơn, kèm theo đó là việc cột sống cũng bị lệch sang một bên. Lúc này, dáng người của chúng mình sẽ rất mất thẩm mỹ vì đã bị biến dạng do ngồi sai tư thế quá lâu.

Ảnh hưởng tới sức khỏe một cách “toàn diện”

Những tư thế ngồi sai như vẹo người sang một bên khi viết, nằm bò ra bàn, còng lưng, cúi sát mặt xuống vở… không những khiến cơ thể bị biến dạng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, phổi. Bên cạnh đó, điều này còn ảnh hưởng đến mắt, gây ra các tật khúc xạ cận, loạn thị do cúi gằm mặt, nằm bò ra bàn.

Nếu như thấy bàn ghế ngồi không phù hợp hay dáng đi có dấu hiệu như vai thõng xuống, lưng gù gù… thì cần phải thay đổi, điều chỉnh ngay tư thế ngồi và bàn ghế cho phù hợp để tránh những dị tật về xương sống sau này.

Read More »

Lời khuyên để có nhiều bạn bè hơn

Posted September 14, 2014
Category Student
Có được những người bạn tốt là một điều may mắn. Và có rất nhiều cách khác nhau để bạn làm quen và có những người bạn mới ở trường. 

1. Sử dụng mạng xã hội

Ngày nay với sự bùng nổ của mạng xã hội, bạn có thể gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều bạn cùng trường qua Facebook hay Twitter. Rất nhiều người đang trò chuyện với những người bạn thân của mình qua Facebook và có nhiều bạn mới qua Facebook. Facebook ngày càng trở thành nơi để gặp gỡ và kết nối bạn bè, nhất là những người bạn cùng trường có chung sở thích và đam mê. Mạng xã hội là nơi dễ dàng nhất, tiện dụng nhất để kết bạn trong trường. 

2. Tham gia câu lạc bộ

Cho dù bạn là một sinh viên năm đầu tiên hoặc là sinh viên năm thứ tư, không bao giờ là quá muộn để tham gia một câu lạc bộ. Hãy tham gia câu lạc bộ những người có chung sở thích, đam mê để bạn có thể gặp gỡ và kết nối với những người cùng niềm đam mê với bạn. Đó có thể là câu lạc bộ ghi ta, võ thuật, tiếng anh, hoặc thậm chí là một câu lạc bộ những người hâm mộ của một ngôi sao nào đó. Tham gia câu lạc bộ là cơ hội để bạn có thể trò chuyện, kết bạn với rất nhiều người.

3. Bắt đầu một công việc partime

Nếu có thời gian, hãy bắt đầu một công việc làm thêm. Các bạn sẽ được làm việc cùng một môi trường, cùng một sếp và với những khách hàng giống nhau. Thật không khó để kết bạn và chia sẻ cùng với những nhân viên khác. Các bạn thậm chí sẽ có thể tìm thấy những người bạn tốt cùng làm ở những chỗ làm thêm.  

4. Tham gia hội đồng hương

Ở nhiều trường, thậm chí trên toàn thành phố, rất nhiều bạn sinh viên đã tự tổ chức nên một hội đồng hương để kết nối những bạn sinh viên có cùng quê hương. Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn cùng ôn lại kỷ niệm khi còn ở quê hương, khơi dậy lòng tự hào về quê hương trong mình và làm quen với những người bạn mới.

5. Không gượng ép

Đừng cố ép mình phải thân với bạn này, bạn kia chỉ vì đó là bạn cùng phòng, bạn cùng lớp với bạn. Hãy để tình bạn đến tự nhiên với những người muốn làm bạn với nhau thật sự. Sự gượng ép để cố gắng mở rộng các mối quan hệ sẽ gây phản tác dụng và cuối cùng bạn sẽ nhận ra mình vẫn cô đơn thực sự. 

6. Tiếp tục làm những gì bạn thích

Đừng bỏ qua những sở thích, niềm đam mê đặc biệt chỉ vì nghĩ rằng bạn đã trở thành sinh viên. Vì biết đâu rằng bạn sẽ gặp rất nhiều bạn bè có chung sở thích và niềm đam mê trong trường.

Read More »

Tân sinh viên đừng bỏ học vì học phí

Posted September 14, 2014
Category Student
Trường hợp do nhà quá nghèo mà mẹ phải tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đi học như trường hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi) ở xã An Xuyên, TP Cà Mau đã gây rúng động xã hội.
Con trai lớn của chị là Đinh Công Bằng thi đậu CĐ ở Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013 nhưng do nhà nghèo, chị lại bị bệnh tật nên không có khả năng lo học phí cho con. Đường cùng chị nghĩ đến cái chết với mong muốn lấy số tiền phúng viếng của mình để cho con đi học đại học.

Kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng có nhiều sỹ tử đậu đại học nhưng nhà nghèo nên đành gác lại ước muốn học đại học.

Trường hợp của em Trần Thị Trúc Mai, cựu học sinh lớp 12A6 Trường THPT Đốc Binh Kiều (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một ví dụ. Mai vừa đậu vào ngành Thú y Trường Đại học Nông lâm TP.HCM.

Gia đình Mai thuộc diện hộ cận nghèo, nhà không có đất đai nên cha mẹ Mai đi làm thuê kiếm sống. Khi nghe tin con đậu đại học, cha mẹ Mai rất vui mừng nhưng nhà nghèo, để có một khoản tiền lớn để đóng học phí, tiền sách vở, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn… cho Mai, cả gia đình thực sự đau đầu. Mai có nguy cơ dở dang việc học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hoàn cảnh của tân sinh viên Nguyễn Minh Dương cũng vậy. Em đậu trường đại học Công nghiệp TP.HCM ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, nhưng nay đã quá thời hạn nhập học hơn nửa tháng mà em vẫn chưa có đủ tiền đóng học phí và đang đứng trước nguy cơ phải từ bỏ giảng đường đại học.

Gia cảnh của Dương rất nghèo khó, ba đi làm thuê, mẹ bị động kinh. Dương vẫn đang phụ giúp gia đình, đi làm thuê như ba. Chính vì vậy, số tiền học phí gần 4 triệu đồng là nỗi lo của gia đình Dương.

Những trường hợp sinh viên nghèo học giỏi như thế này có thể tự vươn lên bằng cách vay vốn tại ngân hàng Chính sách Xã hội. Các em có thể cùng gia đình lên UBND xã, phường của mình xin giấy xác nhận là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi sẽ được vay vốn trang trải cho chi phí học tập của mình.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó giám đốc ngân hàng Chính sách chi nhánh TP.HCM cho biết, đây là ngân hàng cho vay theo chỉ định của Chính phủ nên người vay chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện là được vay mà không phải có tài sản đảm bảo.

Đối với khoản cho sinh viên vay, với mức 1,1 triệu đồng/tháng, lãi suất 0,65%/tháng. Sinh viên sau khi ra trường 01 năm mới phải trả gốc và lãi. Tuy nhiên, lãi vẫn được tính trong quá trình vay.

Chẳng hạn, mức cho vay đối với 01 sinh viên trong 01 năm học khoảng 12 triệu/năm, với 05 năm học thì tổng số tiền có thể vay là 60 triệu đồng. Ngân hàng sẽ giải ngân cho sinh viên vào đầu mỗi năm học.

Vào đầu mỗi năm học, ngân hàng tại chi nhánh TP.HCM nhận khoảng 30.000-40.000 trường hợp xin vay vốn và giải ngân khoảng 40-50 tỷ đồng. Đây là chương trình cho vay ưu đãi lớn thứ 2 trong các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến nay đạt 30.000 tỷ đồng.

Sinh viên Mai Trần Ngọc Đức, trường đại học Thể dục Thể thao đã vay được tại ngân hàng Chính sách với số tiền 11 triệu đồng cho năm học 2014. Đây là năm thứ 2 Đức được giải ngân để trang trải học phí cho mình.

Hay sinh viên Lương Vũ Trọng Đạt, trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng được vay 11 triệu đồng để đóng học phí cho năm học 2014. Nhờ có khoản tiền vay này mà em yên tâm học tập.

Sinh viên Nguyễn Thái Kim Hằng cũng được vay 5,5 triệu đồng, đây là nguồn tiền rất quý báu với em bên cạnh tiền em kiếm được từ đi làm thêm để lo cuộc sống sinh viên của mình.

Ông Tiên cũng chia sẻ: “Tôi cũng nghe trường hợp thương tâm ở Cà Mau khi mẹ chết để lấy tiền phúng viếng cho con đi học. Ở đây là do gia đình không được xác nhận hộ nghèo, nhưng gia đình có thể xin xác nhận thuộc diện khó khăn, bệnh tật của UBND xã là vẫn có thể vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội”.

“Chúng tôi hằng năm cũng đều làm việc với UBND các xã, phường để tuyên truyền về chương trình cho vay sinh viên nghèo, nhưng chắc tại truyền thông chưa được tốt nên vẫn nghe báo chí phản ánh những trường hợp đau lòng khi có nhiều gia đình có con đậu 2 trường đại học nhưng lại không có tiền đóng học phí”, ông Tiên cho biết thêm.

Hiện tỷ lệ nợ xấu mà sinh viên ra trường không trả được chiếm rất thấp, khoảng 1%, nhưng đây là những trường hợp quá khó khăn hoặc rủi ro giữa chừng với những nguyên nhân khách quan.

Do vậy, bằng sự hiểu biết của mình trong xã hội thông tin hiện nay, các học trò nghèo học giỏi vẫn có thể tự vươn lên trong học tập và trong cuộc sống bằng những nguồn vốn vay ưu đãi.

Read More »

Những điều sinh viên năm nhất không hề biết

Posted September 14, 2014
Category Student
Bạn sẽ không thể ngủ đến trưa

Với phương thức học tín chỉ, bạn đã từng nghĩ mình sẽ tự lập một thời gian biểu cho riêng mình và làm những điều mình thích. Nhưng sự thật thì không phải thế, quá nhiều sinh viên đăng ký tín chỉ khiến cho những lớp học vào thời điểm “vàng” thường ngay lập tức bị đầy. Nếu không muốn bị thiếu tín chỉ, bạn sẽ phải đăng ký học vào những lớp buổi sáng sớm hoặc chiều muộn. Điều này có nghĩa là bạn không thể ngủ và nghỉ ngơi đến tận trưa như bạn muốn.

Bạn có thể không hợp với bạn cùng phòng của bạn

Bạn có thể cảm thấy áp lực khi phải chung sống với bạn cùng phòng. Các bạn có thể sống chung nhưng tính cách lại không hợp nhau, hoặc đôi lúc thói quen và sự vô tâm của người kia làm bạn khó chịu? Bạn cũng không thể tránh được những cuộc cãi vã với những người bạn cùng phòng khi phải chia sẻ một không gian chật hẹp. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm để các bạn học cách biết chấp nhận, nhường nhịn và chung sống hòa bình với tất cả mọi người.

Cúp tiết học không phải là ý kiến hay

Có thể những lời giảng của giảng viên làm bạn cảm thấy khó hiểu, buồn ngủ và không muốn có mặt trong các buổi học. Bạn muốn nghỉ học trong thời lượng cho phép để có tự do riêng. Nhưng thực tế, những bài giảng của thầy giáo không bao giờ là vô nghĩa trong cuộc sống và gần nhất là trong kỳ thi. Qua bài thi giữa kỳ và cuối kỳ, các giảng viên sẽ nhận ra ngay mức độ chú ý nghe giảng và năng lực của sinh viên.

Trang phục là một chút khác nhau với thời trung học

Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ mua những trang phục phù hợp với ngôi trường mà bạn theo học. Vì vậy, nếu bạn xuất hiện trong một bộ trang phục quá kỳ dị và khác với những sinh viên khác, họ sẽ tò mò và bàn tán và làm bạn bối rối.

Nhưng các chàng trai thì không khác nam sinh trung học

Mọi người đều nói với bạn rằng tất cả các anh chàng sinh viên khóa trên dễ thương đang chờ đón bạn ở trường đại học. Vì vậy, bạn có thể đứng cả buổi ngoài hành lang để chờ “anh ấy” đi qua. Nhưng sự thật là các chàng sinh viên trường đại học cũng ngại ngần và xấu hổ khi đứng trước các cô gái y như thời họ còn học trung học. Và việc làm quen hay hẹn hò với một chàng sinh viên khóa trên còn phụ thuộc rất nhiều vào duyên số và tính cách của hai bạn. 

Giảng viên không muốn cho bạn trượt đâu

Có lẽ bạn đã từng nghe nói rằng, các giảng viên trong trường đại học rất bận và không có thời gian để quan tâm đến từng sinh viên trong trường đại học. Tuy nhiên, họ vẫn rất mong bạn sẽ tiến bộ và trông đợi rất nhiều ở bạn. Họ không bao giờ mong bạn sẽ trượt và thất bại.  Nếu bạn đang gặp khó khăn trong một bài giảng, họ mong bạn sẽ thắc mắc. Trong hàng trăm, đôi khi hàng ngàn sinh viên, họ có thể không nhớ nổi tên sinh viên, thế nên họ sẽ không thể theo dõi bạn trong các tiết học, vì vậy, bạn phải là người chủ động tiếp cận với giảng viên để có được những kiến thức quý báu từ họ. 

Bạn sẽ có cả tấn bạn bè… nhưng rất ít tình bạn kéo dài quá 4 năm

Ở trường đại học, bạn sẽ kết bạn với rất nhiều người, trong lớp học, trong các câu lạc bộ mà bạn tham gia, nơi bạn làm thêm… Nhưng bạn sẽ mau chóng thất vọng bởi những người bạn đó sẽ nhanh chóng biến mất sau một khoảng thời gian các bạn không gặp và tiếp xúc thường xuyên.  Sự thật là cho đến khi ra trường, bạn chỉ còn liên lạc và gắn bó với rất ít bạn, thậm chí là không người bạn nào cả. 

Phòng trọ hay phòng ở ký túc xá không sang trọng như bạn nghĩ

Ở những thành phố lớn, phòng trọ hoặc phòng ở ký túc xá chỉ cung cấp cho bạn được điều kiện ăn, ở, học tập ở mức tối thiểu. Bạn sẽ cảm thấy nhớ nhà và căn phòng ở nhà mình vô cùng. Nhưng dần dần bạn sẽ quen và cảm thấy thoải mái với cuộc sống của sinh viên.

Read More »

Tiếng anh là một hành trang tất yếu của dân công nghệ thông tin

Posted September 14, 2014
Category Student
Để học và làm việc trong ngành CNTT hiệu quả thì Tiếng Anh là một công cụ đắc lực, là bí kíp thành công. Sinh viên Công nghệ thông tin vững Tiếng Anh chuyên ngành không những dễ dàng hơn trong việc đọc hiểu và tra cứu tài liệu học tập mà còn là một ứng viên sáng giá dễ dàng thuyết phục bất cứ nhà tuyển dụng khó tính nào...

Một câu hỏi đáp nhanh cho các bạn dân CNTT: ngôn ngữ chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin là gì? Không phải Java, không phải C#, không phải C++, …. Đó là ngôn ngữ Tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hầu hết các phần mềm, giao diện, tài liệu nghiên cứu về CNTT đều sử dụng tiếng Anh.

Công nghệ thông tin là ngành có tốc độ phát triển khá nhanh. Những tài liệu, giáo trình trong nước thường được dịch hoặc soạn lại từ các giáo trình, tài liệu nghiên cứu tiếng Anh vì vậy kiến thức trên các tài liệu tiếng Việt thường lạc hậu hơn nhiều so với công nghệ luôn thay đổi và phát triển không ngừng trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều HSSV không chủ động trau dồi khả năng ngoại ngữ là quan điểm học tập và định hướng nghề nghiệp không rõ ràng. Nhưng lời khuyên cho các bạn là một khi đã chọn ngành CNTT thì điều bắt buộc song hành là khả năng sử dụng tiếng Anh.

Tuy nhiên trong thực tế không nhiều các bạn sinh viên CNTT tự tin với trình độ tiếng Anh của mình. Khá nhiều sinh viên theo học chuyên nghành CNTT nhưng trình độ tiếng Anh kém nên sự học khá vất vả và khi ra trường bỏ qua nhiều cơ hội việc làm.

Ngoài những kiến thức chuyên ngành về CNTT, Tiếng Anh được coi là công cụ đắc lực, là chìa khóa mở ra cơ hội học tập - việc làm - mức lương mơ ước, luôn song hành cùng bạn trên con đường chinh phục đỉnh cao của công nghệ. Vì vậy những ai theo CNTT hãy luôn trong tâm thế của người làm chủ công nghệ, trang bị cho mình vốn tiếng Anh thật tốt để thực hiện sứ mệnh đó.

Read More »

Lập nghiệp với một nghề

Posted August 31, 2014
Category Student

Có muôn lối vào đời đâu chỉ là phải bước qua ngưỡng cửa ĐH. Có những con đường vào đời còn có nghĩa là đồng hành cùng nỗi vất vả của mẹ, nhọc nhằn của cha... Những học trò nhận học bổng Nhất nghệ tinh 2014 đã chọn cho mình lối đi đó: vừa học vừa làm để lập thân nhưng vẫn phụ giúp gia đình.
 

Ông Vũ Văn Bình - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm cho nhà tài trợ và các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình - Ảnh: Quang Định

Học bổng Nhất nghệ tinh thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 370 của báo Tuổi Trẻ. Năm nay học bổng trao cho 200 học sinh nghèo vượt khó tại 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ, mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng.

 

Bạn Nguyễn Thị Huyền My, sinh viên Trường Trung cấp Y Dược Hồng Đức xúc động khi kể câu chuyện hoàn cảnh gia đình mình - Ảnh: Quang Định

Chắt chiu cho học sinh nghèo

Sáng 18-7, 200 học sinh nghề tại 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ đã có mặt tại Nhà văn hoá Thanh niên, TP.HCM nhận học bổng Nhất nghệ tinh.

Ông Vũ Văn Bình, Phó TBT báo Tuổi Trẻ- đại diện ban tổ chức chia sẻ: “Bước vào mùa khai giảng năm học mới, nhiều cổng trường ĐH CĐ trong cả nước đang mở rộng đón hàng triệu học sinh, sinh viên đến với giảng đường. Nhưng bên cạnh đó cũng có hàng ngàn bạn trẻ ở các làng quê nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngay cả các đô thị lớn vẫn canh cánh nỗi lo túng thiếu khi thực hiện mơ ước học một nghề cho tương lai. Đó là lí do mà học bổng Nhất nghệ tinh ra đời năm 2009 và vẫn tiếp tục được duy trì tới hôm nay.”

Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT công ty Vina Cam (đại diện cho các nhà tài trợ Học bổng) dí dỏm nói Quỹ học bổng giống như Quỹ “bình ổn giá” trước cơn lốc khó khăn của kinh tế hiện tại. Ông Hải khiến nhiều người xúc động khi kể về câu chuyện một nhân viên công ty ở huyện Hóc Môn của công ty ông chắt chiu từng đồng để lo cho gia đình ngoài giờ làm bằng việc công dép vào ban đêm nhưng năm nào cũng đóng góp cho Quỹ.

Tấm lòng ấy chính là tâm trạng chung của những nhà tài trợ khi hướng về một lớp thợ lành  nghề hữu ích cho đất nước trong tương lai, ông Hải đúc kết.

Bước vào năm Năm thứ 6, Quỹ học bổng Nhất nghệ tinh do giải Golf gây Quỹ Tiếp sức đến trường ngày càng có thêm nhiều mạnh thường quân tham gia. Ông Hải bộc bạch: “Số tiền học bổng tuy không nhiều nhưng chúng tôi hy vọng đó sẽ là cú hích quan trọng để đẩy một thế hệ trẻ lên đỉnh dốc của thành công trong tương lai. Chúng tôi cũng biểu dương, khen ngợi sự lựa chọn thông minh của các bạn trẻ khi chọn cánh cửa trường nghề để học giỏi một nghề mà lập nghiệp. Nó góp phần tạo nên một thế hệ công nhân mới có tri thức và lành nghề đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước.”.

Ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vinacam, đại diện Giải Gôn gây quỹ Tiếp sức đến trường trao học bổng cho các sinh viên tại buổi lễ - Ảnh: Quang Định
Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trường Trường Cao đăng Công nghệ Thủ Đức trao học bổng cho các sinh viên tại buổi lễ - Ảnh: Quang Định

Vượt khó rèn nghề để lập thân

Phần giao lưu với hai hoàn cảnh tiêu biểu trong Lễ trao học bổng Nhất nghệ tinh khiến nhiều người tham dự xúc động. Bởi bên cạnh ý chí học tập của các bạn trẻ còn là cách mà họ vượt qua khó khăn. Hai cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Huyền My và Trần Ngọc Mỹ xúc động khi kể về câu chuyện gia đình. Trần Ngọc Mỹ học sinh trường Cao đẳng nghề du lịch Vũng Tàu khiến bạn bè khâm phục về ý chí vượt khó cùng gia đình.

Lúc nhỏ, Mỹ vốn được sống trong gia đình kinh tế khá nhưng do em trai bị bệnh, cha mẹ phải dồn sức chữa trị nên cuối cùng nhà cửa phải bán hết, bản thân Mỹ suýt phải nghỉ học năm lớp 9. Nhưng không đầu hàng số phận, Mỹ quyết tâm vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình. Mới hơn 60 tuổi nhưng bà Lê Thị Nga, mẹ của Mỹ đã già yếu nhiều so với tuổi vì làm lụng quá sức. Ngày ngày, bà đạp xe hàng chục cây số đi bán vé số mà cũng chỉ được 100 ngàn đồng. Gánh nặng gia đình dồn lên vai người mẹ lẽ ra phải được nghỉ ngơi ở tuổi ngoài 60 khi bà cùng lúc phải nuôi cậu con trai bị tâm thần và hai đứa cháu nội bị cha mẹ bỏ rơi.

Còn với cô dược sĩ tương lai Nguyễn Thị Huyền My thì hành trình trọ học ở Sài Gòn gắn liền với quang gánh tảo tần của người mẹ. Mẹ của Huyền My đã vào Sài Gòn 20 năm mưu sinh, gửi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt từ gánh tàu hũ rong ruổi khắp đường phố. Nhắc đến mẹ là Huyền My không nén được xúc động, đó có lẽ là động lực lớn lao để My sắp hoàn thành chương trình học Dược sĩ, tìm công việc ổn định giúp cha mẹ bớt cực khổ.

Các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại buổi lễ trao học bổng - Ảnh: Quang Định
Sinh viên Phạm Văn Qúy, Trường Trung cấp Bến Thành ngành Công nghệ thông tin phải nhờ bạn của mình cõng lên sân khấu nhận học bổng - Ảnh: Quang Định

Hàng năm, cứ đến muà tuyển sinh ĐH - CĐ là hàng triệu học sinh cùng cha mẹ nô nức đi thi, hòng mong được bước vào một cánh cổng ĐH làm rạng danh dòng họ. Rất ít bạn trẻ trong số ấy chọn cho mình con đương học nghề khi những cánh cửa trường nghề luôn rộng mở. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, chỉ có khoảng 10% học sinh sau khi tốt nghiệp Phổ thông chọn học nghề lập thân. Có thể với những học trò được nhận học bổng Nhất nghệ tinh do hoàn cảnh khó khăn không cho phép họ mơ về một ngôi trường ĐH để tiếp tục dùi mài tri thức. Nhưng tin rằng, với nỗ lực và sự lựa chọn sát sườn cuộc sống, tương lai sẽ tươi sáng với các bạn trẻ này khi nhu cầu về người lao động có tay nghề cao ngày càng bức thiết ở bất kỳ doanh nghiệp nào.

Hình ảnh cậu học trò - công nhân Bùi Quốc Hưng ở Củ Chi lên nhận học bổng hôm nay khiến chúng tôi càng tin vào điều đó. Hưng được thầy phụ trách dẫn lên nhận học bổng trong bộ đồng phục của trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn. Thầy phụ trách của Hưng kể: “Đi nhận học bổng mà em mang dép, tôi phải nhắc em mượn bạn đôi giày mang vào đấy”. Và cậu học trò nghèo của chúng tôi lần đầu ngượng ngịu đôi chút trong đôi giày ba ta chạy bộ của bạn. Hưng ngại ngùng bảo: “Xưa giờ em có đi giày bao giờ đâu, đi học với đi làm toàn đi dép không à”. Mộc mạc là thế nhưng phía sau câu chuyện về đôi giày của Hưng là một ước mơ đẹp thành thầy thuốc trong tương lai.

Tin rằng, từ đôi chân mang đôi giày tuềnh toàng hôm nay, nhiều bạn trẻ khác nhận học bổng Nhất nghệ tinh với niềm tin và hoài bão sẽ tự tin ghi lại dấu chân thành đạt của chính mình trong tương lai.

 

        LÊ VÂN
(Theo Tuổi trẻ)

Read More »

Bộ môn
chuyên ngành

200x200
Mạng
máy tính
200x200
công nghệ
phần mềm
200x200
Đồ họa
200x200
Tin học
cơ sở